Giải pháp nào đưa kim ngạch xuất khẩu Sóc Trăng năm 2020 tăng trưởng đột phá
Trong Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Cụm thi đua Tây Nam Bộ, được tổ chức vào ngày 26/3/2021 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng được xem là một điển hình với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 cao nhất vùng ĐBSCL so với năm 2019.
Năm 2020, hoạt động thương mại thế giới diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Hàng loạt hoạt động kinh tế bị đình hoãn, giao thông vận tải bị hạn chế, ngoại thương bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với sự điều hành rất kiên quyết của Chính phủ, bám sát mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội”, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo cho nền kinh tế; năm 2020 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng 7%, vùng ĐBSCL tăng trưởng 12%.
Riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, được sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhất là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sơ bộ năm 2020 theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, Sóc Trăng đạt kim ngạch xuất khẩu 1.115 triệu USD, tăng 29% so với năm 2019. Xét tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành trong Cụm thi đua Tây Nam Bộ, có 6 địa phương tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, gồm Sóc Trăng tăng 29,8%, Bến Tre tăng 21%, Cà Mau, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang lần lượt đạt mức tăng 1% - 6%. Số liệu chi tiết được thể hiện rõ trong biểu đồ bên dưới.
Nguồn tính toán: theo số liệu thống kê năm 2020 của Tổng cục Hải quan
Biểu đồ trên cũng cho thấy rất rõ, năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7%, nhờ có sự góp sức của vùng ĐBSCL, trong đó có sự tham gia ít nhiều của tỉnh Sóc Trăng. Đây quả thực là nỗ lực rất đáng trân trọng của Sóc Trăng nói riêng và của nhiều địa phương khác trong vùng nói chung, trước bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19.
Vậy, những giải pháp nào đã đưa xuất khẩu Sóc Trăng năm 2020 tăng trưởng đột phá? Để trả lời cho câu hỏi vừa nêu, trước hết, hãy cùng tìm hiểu về xu hướng thị trường hàng xuất khẩu năm 2020 đối với nhóm hàng thủy sản chế biến sẵn và gạo, vì đây là nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. Như chúng ta đã biết, khi phải giãn cách xã hội, người dân có nhu cầu mua dự trữ thực phẩm thiết yếu, để sử dụng trong khoảng thời gian ở nhà phòng tránh dịch. Do đó, trong năm 2020, nhu cầu đối với gạo, thủy sản chế biến sẵn (bày bán trong siêu thị) tăng cao, trong khi hàng thủy sản bán vào nhà hàng lại bị giảm nhu cầu do hoạt động của các nhà hàng hạn chế. Nhu cầu gạo và thủy sản chế biến sẵn tăng, đẩy giá các mặt hàng này tăng lên, là điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng vào các nước nhập khẩu bằng hệ thống siêu thị; ngược lại, đây là yếu tố bất lợi cho các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng vào nhà hàng, vì giảm cầu và giảm giá.
Trước xu thế thị trường như đã phân tích ở trên, hoạt động xuất khẩu năm 2020 của Sóc Trăng được tập trung thực hiện bằng các giải pháp chủ yếu sau:
Một là các doanh nghiệp thủy sản Sóc Trăng tập trung sản xuất các mặt hàng thủy sản đáp ứng nhu cầu cung ứng vào hệ thống siêu thị các nước nhập khẩu. Giải pháp này giúp cho hàng thủy sản Sóc Trăng đạt mức tăng trưởng 27% so với năm 2019, dù là các mặt hàng thủy sản vẫn là sản phẩm từ tôm và mực như các năm trước.
Hai là Sóc Trăng đã rất linh hoạt và nhạy bén để khai thác cơ hội giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên theo nhu cầu nhập khẩu gạo để ứng phó Dịch Covid-19. Như các năm qua, việc điều hành xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn phải đảm bảo 2 mục tiêu chính là “vừa tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa bảo đảm nhu cầu về an ninh lượng thực quốc gia”, do đó, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn phải được điều tiết bằng hạn ngạch xuất khẩu. Năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Sóc Trăng đã rất nhạy bén và linh hoạt để vừa có được các hợp đồng xuất khẩu giá tốt, vừa chủ động nguồn hàng, sẵn sàng đáp ứng các điều kiện để đăng ký được hạn ngạch xuất khẩu gạo theo quy định. Giải pháp này đã giúp cho ngành hàng gạo năm 2020 đạt mức tăng trưởng cực kỳ tốt, tăng 88% so với năm 2019.
Ba là Sóc Trăng đã làm tốt cơ chế điều hành mùa vụ nuôi trồng để sẵn sàng nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàng năm, từ dự báo về tình hình thời tiết, đánh giá lịch mùa vụ và kết quả tình hình sản xuất của năm vừa qua, ngành Nông nghiệp đều có xây dựng Kế hoạch giải pháp sản xuất tôm nước lợ ngay từ đầu năm (thực hiện Lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, khuyến cáo…); thực hiện kế hoạch sản xuất lúa để bảo đảm sản lượng lúa hàng hóa trên 2 triệu tấn/năm.
Bốn là Sóc Trăng vẫn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành hàng thủy sản, như: mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp; áp dụng ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mô hình tôm – lúa; tiếp tục thu hút các dự án nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản (năm 2020 Sóc Trăng có thêm 1 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản được đưa vào hoạt động với công suất thiết kế 4.900 tấn/năm). Việc chủ động tốt nguồn nguyên liệu đã giúp các doanh nghiệp, vừa chế biến xuất khẩu bảo đảm quy định về truy xuất nguồn gốc, về an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao của những thị trường khó tính, vừa dễ dàng, linh hoạt và kịp thời đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Tóm lại, có thể nói, năm 2020, Sóc Trăng đã có những giải pháp vừa phù hợp với thị trường, vừa đồng bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm và nhất là khai thác được lợi thế cơ cấu ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Từ những giải pháp nêu trên, không khó để hiểu vì sao hoạt động xuất khẩu năm 2020 Sóc Trăng lại đạt được kết quả khả quan như vậy.
Với thành quả năm 2020 như vừa đúc kết, bước vào năm 2021, năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ tỉnh, cũng là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc thực hiện những mục tiêu công thương chủ yếu khác, Sở Công Thương vẫn sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xuất khẩu, góp phần giữ vững đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà nói chung./.